MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN CHỮ VIẾT ĐẸP CHO HỌC SINH LỚP 1 TRƯỜNG TIỂU HỌC TẢ PHỜI

Nhưng muốn viết đẹp, các em phải gắng công khổ luyện dưới sự hướng dẫn  dạy bảo tận tình của các thầy giáo, cô giáo, trước những mẫu chữ đẹp còn là môi trường quan trọng bồi dưỡng cho các em những phẩm chất tốt như tính cẩn thận, tinh thần kỷ luật và thẩm mỹ. Gần đây trong chương trình tiểu học rất coi trọng chữ viết, phong trào thi đua vở sạch, viết chữ đẹp là một phong trào xuyên suốt năm học, phong trào này được tất cả các trường thực hiện.
Đối với  học sinh lớp 1 việc học là một bước ngoặt trong cuộc sống của các em. Các em đang từ chơi mà học lớp mẫu giáo, đến lớp 1 việc học là chủ yếu. Trẻ em bắt đầu học đọc, viết có nguồn nhận thức mới về ngôn ngữ viết. Tất cả mọi kiến thức học ở lớp 1 đều là cơ sở ban đầu. Đặc biệt là việc rèn chữ viết cho các em học sinh lớp 1, để các em nhận biết được độ cao, cách viết các con chữ, đến việc viết chữ đẹp là một việc làm không dễ dàng gì, và càng khó khăn hơn với đối tượng là học sinh lớp 1 vùng đặc biệt khó khăn, với 100%  số học sinh trong lớp là dân tộc ít người.
Chữ viết và dạy viết được cả xã hội quan tâm. Nhiều thế hệ thầy cô đã trăn trở, góp công, góp sức để cải tiến chữ viết cũng như phương pháp dạy học chữ viết. Tuy vậy, nhiều học sinh vẫn viết sai, viết sấu, viết chậm, nhiều cuốn vở mới viết đư­ợc vài trang đã quăn mép, nhàu nát, bong bìa, giây mực, chữ viết tùy tiện, không đúng mẫu, cỡ chữ và thế chữ. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới các môn học khác.
Chính vì vậy mà việc rèn viết chữ  đẹp là vấn đề cần quan tâm, không thể không thực hiện trong việc giáo dục và rèn luyện các em. Bởi lẽ giữ gìn vở sạch và viết chữ đẹp chính là làm cho các em óc thẩm mĩ, biết yêu thích những quyển vở sạch đẹp, chữ viết đẹp, rõ ràng, trình bày khoa học. Mặt khác, h­ướng dẫn học sinh giữ gìn vở sạch và viết chữ đẹp là cơ sở giáo dục nhằm rèn luyện cho các em phẩm chất đạo đức tốt. Là cơ sở để các em học tốt các môn học khác và học lên các lớp trên. Việc rèn viết chữ đẹp nhằm nâng cao chất l­ượng giáo dục trong nhà tr­ường, đặc biệt là chất l­ượng vỡ sạch chữ đẹp. Vậy phải làm thế nào để các em viết đúng, viết đẹp đáp ứng với nhu cầu của nhà trường, của ngành Giáo dục. Các giáo viên trong tổ khối 1 trường Tiểu học Tả Phời luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để tìm ra các biện pháp, kinh nghiệm dạy phù hợp để các em đạt được các yêu cầu về viết chữ đẹp. Chúng tôi các giáo viên trong tổ khối 1 trường tiểu học Tả Phời đã trao đổi, chia sẻ và áp dụng một số biện pháp rèn chữ viết cho học sinh khối 1 đã có hiệu quả cao. Số học sinh viết chữ đẹp, đúng mẫu chữ được nâng lên rõ rệt.
Biện pháp 1: Đề cao sự gương mẫu về chữ viết của giáo viên.
Chữ viết của giáo viên là tấm gương cho học sinh.
Giáo viên phải viết đúng, viết đẹp, trình bày rõ ràng mới có thể giáo dục cho học sinh viết sạch đẹp hơn được. Bởi xét về tâm lý của học sinh tiểu học dường như các em luôn lấy cô giáo mình làm gương. Vì vậy, giáo viên cần phải thường xuyên luyện chữ, cập nhật ngay với mẫu chữ đang hiện hành.
Chuẩn bị chu đáo khi lên lớp
Mỗi học sinh khi lên lớp giáo viên phải soạn bài đầy đủ. Việc soạn bài là công việc lập ra kế hoạch tổ chức hoạt động dạy và học trong từng bài. Tiết chính tả nhiều khi gây cho học sinh sự tẻ nhạt. Giáo viên phải bám vào yêu cầu của từng bài học từ đó nghiên cứu bổ xung cho phù hợp với học sinh của lớp mình. Bài soạn của giáo viên công phu sẽ tránh gây nhàm chán, rèn luyện được chữ viết mà lại gây được hào hứng cho học sinh.    
Để có bài soạn tốt, giáo viên luôn sưu tầm tài liệu, sách tham khảo về cách rèn luyện chữ viết cho học sinh, những quyển vở sạch, đẹp giới thiệu cho những em học sinh có ý thức lấy đó làm gương cho mình.
Để tiện cho việc rèn chữ của học sinh tôi dùng những “thanh giấy nhỏ” và viết mẫu từng chữ như sau và phát cho học sinh:  l, b, h, k, p, y, t.
Dùng để luyện chữ như sau:
Đặt thanh giấy sát lề vở nhìn chữ mẫu để viết, viết hết trang này đặt thanh giấy mẫu vào trang khác để viết tiếp.
Với cách làm như vậy học sinh vận dụng nhanh và có kết quả tốt.

cô giáo: Vương Thị Thanh- GV trường Tiểu học Tả Phời

Chữ viết cô giáo: Hoàng Thị Máy- GV trường Tiểu học Tả Phời
Biện pháp 2: Bồi dưỡng cho các em lòng say mê và tinh thần quyết tâm rèn luyện chữ viết.
Bất kỳ việc gì nếu có lòng say mê thì việc thực hiện mới có kết quả cao. Để bồi dưỡng lòng say mê và tinh thần quyết tâm rèn luyện chữ viết cho các em, chúng tôi thường kể cho các em gương rèn chữ của ông Cao Bá Quát, Nguyễn Ngọc Ký tập viết chữ bằng chân ngày xưa, gương rèn chữ của các học sinh năm trước cho học sinh xem vở luyện chữ của cô, của những học sinh tiêu biểu. Trước khi cho học sinh tập viết vào vở chúng tôi cho các em xem bài viết mẫu của cô. Qua những mẩu chuyện, qua thực tế được nhìn những trang vở trước và sau khi rèn chữ của cô, của bạn, các em thêm tin tưởng và quyết tâm say mê rèn luyện. Khi các em có lòng quyết tâm chúng tôi chuyển sang biện pháp thứ hai.

Biện pháp 3: Rèn cho học sinh thói quen, kĩ năng viết.
– Để giúp học sinh lớp 1 viết đúng và đẹp, trước tiên người giáo viên phải tự thống nhất một số thuật ngữ khi dạy tập viết để học sinh nghe quen tai và có thói quen nhận biết nhanh.
Ví dụ: “Đường kẻ” học sinh nghe cô nói hiểu được đâu là đường kẻ ngang thứ nhất, thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 đường kẻ dọc trái, đường kẻ dọc phải.
– Cách xác định toạ độ trên khung chữ phải dựa vào đường kẻ chuẩn. Học sinh qua giờ học luyện tập, tập viết sẽ tự nhận xét được độ cao, kích thước của chữ, biết được vị trí nằm trên đường kẻ nào, dòng kẻ thứ mấy thông qua chữ mẫu.
– Việc tiếp theo quan trọng là học sinh phải nắm chắc điểm đặt bút đầu tiên. Biết được điểm dừng bút của một số chữ thường kết thúc ở điểm đặt bút hoặc ở đường kẻ ngang thứ 2.
– GV có thể lặp lại điều này ở nhiều tiết học để học sinh luôn lưu ý nên hất quá tay chữ sẽ mất cân đối hoặc hất quá ít làm chữ viết giống chữ in.
– Trong kỹ thuật viết tạo sự liền mạch giáo viên cần rèn học sinh biết cách rê bút, lia bút để đảm bảo kỹ thuật và tốc độ viết chữ.
Ví dụ 1: Rê bút – viết chữ: n 
Học sinh viết nét móc xuôi trái (1), dừng bút ở đường kẻ thứ nhất, không nhấc bút mà ngược lên đường kẻ thứ 2 để viết nét móc 2 đầu, dừng bút ở đường kẻ thứ 2.
Ví dụ 2: Lia bút – viết chữ: cô (cỡ chữ nhỡ)
Học sinh viết chữ c đến điểm dừng bút ở đường kẻ ngang thứ 2 lia nhẹ đầu  bút từ dưới lên trên, sang phải đến điểm đặt bút của ô (cách c khoảng nửa ô) viết chữ ô rồi lia bút lên đầu chữ o viết dấu mũ từ trái sang phải.
– Để học sinh viết đúng chữ mẫu và viết đẹp phương tiện học tập của học sinh là đặc biệt cần thiết gồm: bút, bảng, vở tập viết, bàn ghế đúng quy cách, ánh sáng đầy đủ.
– Khi học sinh viết bài, ngoài việc cầm bút đúng tư thế, muốn viết đúng và đẹp học sinh cân biết quan sát chữ mẫu để biết cấu tạo chữ, nhận xét được chiều cao, độ rộng của chữ, nhìn cô hướng dẫn cách viết để nắm được kỹ thuật viết chữ và viết theo mẫu.
– Đây là một trong những chữ khó viết ở phần chữ cái. Rất nhiều em khi viết đến chữ này đều bị mắc ở phần nét thắt giữa. Giúp các em khắc phục tôi đã làm như sau:
Cho học sinh so sánh chữ h và chữ k (mẫu hai chữ phóng to)
+ Giống nhau: cùng có nét khuyết trên. học sinh đã biết cách viết
+ Khác nhau: chữ h có nét móc 2 đầu, chữ k có nét thắt giữa
 – Để viết được đúng nét thắt giữa của chữ k, tôi đã phóng to riêng phần nét thắt giữa của chữ k trên khung chữ kẻ li. Học sinh nhận xét chiều cao, độ rộng của nét thắt: Nét thắt giữa gồm 2 phần
+ Phần trên nét thắt hơi giống chữ c lộn ngược
+ Phần dưới nét móc gần giống nét móc 2 đầu.
– Tôi viết mẫu cho học sinh xem trên bảng từng phần của nét thắt, luyện học sinh viết ra bảng riêng từng phần của nét thắt cho học sinh quen tay. GV chú ý cho học sinh viết đúng theo nét này ngay từ khi cho học sinh học các nét cơ bản.
– Sau khi học sinh đã viết được riêng từng phần nét thắt giữa, tôi hướng dẫn học sinh ghép 2 phần rời của nét thắt để được nét thắt giữa hoàn chỉnh bằng cách rê bút nối 2 phần của nét thắt như sau:
– Đặt bút ở đường kẻ ngang thứ 2 viết nét cong phải hơi chếch lên chạm đường kẻ ngang thứ 3 vòng gần đến điểm đặt bút vừa xong rê bút viết liền nút nằm ngang trên đường kẻ ngang thứ 2, điểm kết thúc của nét nút thẳng với chỗ rộng nhất của phần trên nét thắt, rê bút nối liền với nét móc dưới và dừng bút ở đường kẻ ngang thứ 2.
– Học sinh viết xong sẽ mang bảng mẫu của mình cho các bạn xem. Học sinh nhận xét rút ra chỗ đúng cần học tập, chỗ chưa đúng cần phải sửa. Học sinh được tập viết lại nét thắt giữa cho đẹp sau đó mới viết chữ k hoàn chỉnh trên cơ sở cô giáo viết chữ mẫu trên bảng và nhận xét được:
– Nét khuyết: cao 5 li, rộng 1 li.
– Nét thắt giữa: cao 2 li rộng 2 li rưỡi. Đặt bút ở giữa đường kẻ ngang thứ 2 (sát bên trái đường kẻ dọc) viết nét khuyết trên dựa vào đường kẻ dọc cho thẳng đến đường kẻ ngang dưới thứ nhất rê bút viết tiếp nét thắt giữa như trên, dừng bút ở đường kẻ ngang thứ 2.
Muốn luyện tập đạt kết quả tốt học sinh phải nắm chắc về:
                      – Chữ mẫu
                      – Cấu tạo của chữ
                      – Kỹ thuật viết chữ
– Ngoài ra học sinh còn được rèn luyện thành kỹ năng như: Tư thế ngồi, cách cầm bút để vở, cách trình bày bài… cộng với ý thức tự giác của mỗi học sinh trong quá trình luyện tập sẽ làm bài viết của các em đẹp hơn. Học sinh được viết trên bảng, vở bài tập viết và viết cả vở ô li (giờ luyện viết).
– Để nhận biết bài viết của học sinh đã đúng, đẹp chưa cần có sự kiểm tra đánh giá, công việc này phải tiến hành thường xuyên, điều này chỉ có 2 ưu điểm sau:
– Giáo viên đánh giá được mức độ tiếp thu của học sinh, từ đó có thể điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp.
Biện pháp 4: Chia chữ ra từng nhóm và rèn luyện dứt điểm.
Nếu cùng một lúc đòi hỏi các em viết đẹp ngay là điều không thực tế và khó thực hiện. Do vậy tôi đã định ra mỗi một tuần rèn một nhóm chữ nhất định. Rèn viết đúng nhóm này mới chuyển sang nhóm khác đồng thời rèn cho các em viết thẳng hàng bằng cách tập xếp mô hình thẳng hàng và cách đều nhau, tập viết các ô vuông, hình tròn, hình tam giác thẳng hàng và cách đều nhau. Tôi đặt ra một số kế hoạch hàng tuần, hàng tháng một cách cụ thể. Cứ như thế loại chữ này viết đẹp mới chuyển sang rèn loại chữ khác và phải thẳng hàng mới thôi nên học sinh phấn khởi và say mê rèn luyện. Trong khi học sinh luyện viết tôi luôn hướng dẫn, làm mẫu, nhắc nhở các em ngồi viết đúng tư thế, cách cầm bút và đặt vở đúng, tôi thường xuyên chú ý đến ánh sáng của lớp học để các em viết được tốt hơn.
Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo nét và mối quan hệ về cách viết các chữ cái tôi phân ra các nhóm như sau:
– Nhóm 1 : Nhóm chữ cái có nét cơ bản là nét cong: c, o, ô, ơ, e, ê, x.
– Nhóm 2: Nhóm chữ cái có nét cơ bản là nét cong phối hợp với nét móc.: a, ă, â, d, đ.
– Nhóm 3: Nhóm các chữ cái có nét cơ bản là nét móc: i, t, u, ư, p, m, n.
– Nhóm 4: Nhóm các chữ cái có nét cơ bản là nét khuyết hoặc nét cong phối hợp với nét khuyết: l, h, k, b, y, g.
– Nhóm 5: Nhóm các chữ cái có nét cơ bản là nét thắt: r, v, s.
Biện pháp 5: Rèn chữ viết ngay trong các giờ dạy Tiếng Việt và giờ dạy Tập viết.
– Đầu tiên giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách cầm bút, để vở và ngồi đúng tư thế khi viết bài.
– Trong các giờ dạy Tiếng Việt khi dạy các âm, chữ giáo viên cần chú trọng viết mẫu chính xác cấu tạo cũng như qui trình viết của từng con chữ, học sinh quan sát và tự nêu cấu tạo của các con chữ. Cho học sinh viết vào bảng con theo chữ mẫu sau đó cho học sinh viết lại theo trí nhớ của mình, giáo viên quan sát và hướng dẫn, học sinh tự sửa sai từng nét chữ, độ cao. Dần dần hình thành cho học sinh thói quen tự nhận xét đánh giá chữ viết của bạn cũng như của bản thân.  Khi học sinh luyện viết trong vở tập viết, giáo viên cần hướng dẫn tỉ mỉ theo dõi sát sao quá trình học sinh thực hành viết để sửa sai kịp thời cho từng học sinh. Đặc biệt giáo viên cần chú trọng đến tư thế ngồi viết cũng như kỹ năng cầm bút, để vở của học sinh trong mỗi giờ thực hành viết để hình thành thói quen ngồi học đúng tư thế cho các em.
– Khi dạy các giờ tập viết giáo viên cần cho các em làm quen với kỹ năng quan sát và phân tích các tiếng, từ cần luyện viết, tránh  làm hộ học sinh. Từ đó, dần dần hình thành kỹ năng nghe viết chuẩn ngay từ đầu năm học để làm nền tảng cho các giờ học chính tả sau này.
– Việc rèn chữ viết cho học sinh không thể chỉ hướng dẫn chung chung hay nhắc nhở sửa sai chung cả lớp mà giáo viên cần có sự phân loại khả năng viết chữ của học sinh để có biện pháp bồi dưỡng thích hợp. Những học sinh có khả năng viết chữ đẹp giáo viên thường xuyên bồi dưỡng, ra các bài viết nâng cao hơn để học sinh luyện viết thêm, còn những học sinh viết yếu thì cần hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng, chấm sẵn các điểm để học sinh viết, thậm chí bắt tay học sinh viết từng con chữ để học sinh dần tiến bộ.

Giáo viên chỉ bảo tận tình trong giờ học.

Ngoài ra giáo viên cần rèn chữ viết cho học sinh vào các buổi chiều, mỗi buổi chiều dành một tiết để học sinh luyện viết, trong các giờ luyện viết buổi chiều đó giáo viên cần rèn chữ viết cho học sinh theo từng mức độ, khả năng viết của từng em. Đồng thời cho các em thường xuyên chơi trò chơi “Thi viết chữ đẹp” giữa cá nhân với cá nhân, giữa tổ với tổ để các em có sự ganh đua nhau trong học tập.
Biện pháp 6: Rèn tư thế ngồi viết cho học sinh.
Ngoài ra, về tư thế cầm bút của học sinh là điều giáo viên cần phải quan tâm đầu tiên, thực tế có nhiều cách cầm bút không đúng như tôi đã nêu ở phần viết bảng, giáo viên có thể phải mất hàng tuần và luyện thường xuyên trong suốt cả năm học về cách cầm bút đúng mẫu để học sinh viết tốt hơn. Khi viết đôi tay trực tiếp điều khiển quá trình viết của trẻ, các cơ và tay của trẻ đang độ phát triển, nhiều chỗ còn là sụn nên cử động các ngón tay còn vụng về, chống mệt mỏi. Khi cầm bút các em có tâm lý bị rơi. Điều này gây một phản ứng tự nhiên là các em cầm bút quá chặt, các cơ tay căng lên rất khó di chuyển. Muốn có thói quen viết chữ nhẹ nhàng, thoải mái trước hết học sinh phải biết kỹ thuật cầm bút bằng 3 ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa). Bàn tay phải với điểm tựa là mép cùi tay, đầu bút hướng ra phía trước, cầm bút phải tự nhiên, đừng chặt quá sẽ khó vận động, nếu lỏng quá sẽ không điều khiển được bút. Nếu các em cầm sai kỹ thuật bằng 4, 5 ngón tay, khi viết vận động cổ tay, cánh tay thì các em sẽ mau mệt, sức chú ý kém, kết quả  viết chữ sẽ không đúng và nhanh được.
Giáo viên phải rèn cho học sinh tư thế ngồi chuẩn để có thể viết chữ đẹp lại không gây ra những dị tật để đời cho học sinh như: cận thị, vẹo cột sống…
Tư thế ngồi viết:
– Lưng thẳng
– Không tỳ ngực xuống bàn.
– Mắt cách vở khoảng 20 – 25 cm.
– Tay phải cầm bút, tay trái tỳ nhẹ lên mép vở để giữ.
– Hai chân để song song thoải mái.
Cách cầm bút
– Cầm  bút bằng ba ngón tay: Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa.
– Khi viết ba ngón tay di chuyển từ trái sang phải, cán bút nghiêng bên phải, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay cử động mềm mại, thoải mái.
– Tuyệt đối sửa ngay những học sinh cầm bút tay trái.      
Biện pháp 7: Tổ chức tốt các phong trào thi đua.
Để khí thế rèn luyện chữ viết của học sinh trong lớp sôi nổi. Đầu năm học chúng tôi đã phát động phong trào thi đua giữ vở sạch, viết chữ đẹp với khẩu hiệu.
“Mỗi chữ viết là một bông hoa đẹp
Mỗi trang vở là một vườn hoa tươi”.
Mỗi học sinh có riêng một quyển vở kẻ ly, mỗi ngày các em luyện viết từ
2 – 4 chữ cái để rèn chữ. Cuối đợt thi đua tôi chọn ra những em có chữ đẹp, trình bày sạch sẽ trưng bày để các thầy cô và các bạn học sinh trong trường cùng xem.


             Chữ viết em: Dương Thị Huyền Diệu – lớp 1C trường TH Tả Phời    

Chữ viết em: Dương Thị Thu Thao – lớp 1C trường TH Tả Phời

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *